Boxing Day là ngày gì? Hãy hỏi các tín đồ shopping và họ sẽ trả lời bạn rằng: đó là một trong hai ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm, cùng với ngày Black Friday. Boxing Day luôn được ấn định là ngày đầu tiên sau ngày Giáng Sinh (Christmas Day), ngày 26 tháng 12 hàng năm. Tuy nhiên, Boxing Day còn có từ rất lâu trước khi các trung tâm mua sắm, các khu phố thương mại xuất hiện như bây giờ. Vậy tại sao ngày Boxing Day lại có tên gọi như vậy, phải chăng đó là ngày người ta tổ chức các giải đấm bốc (Boxing) giống như người Việt tổ chức chọi gà, đua thuyền trong các dịp lễ hội? Chỉ còn 18 ngày nữa là đến Boxing Day của năm 2014 rồi, và chuyến tàu đầu tuần của English4ALL hôm nay sẽ cùng bạn đi tìm hiểu vì sao lại gọi là Boxing Day nhé! All aboard!

Boxing Day 1

Quang cảnh Boxing Day ở Anh.

Boxing Day là một ngày nghỉ lễ được kỉ niệm ở Anh và các nước thuộc khối Thịnh Vượng Chung (other Commonwealth nations) khác nhưng có lẽ ngay cả nhiều người bản xứ cũng ít khi để ý vì sao lại có ngày này, với họ, đơn giản đây chỉ là một ngày lễ mà khi họ sinh ra đã có.

Về nguồn gốc, Boxing Day hoàn toàn không liên quan gì đến môn quyền anh (boxing) và văn hoá mua sắm hàng giảm giá sau Giáng Sinh (post-Christmas sale) như ngày nay chúng ta vẫn thấy.

Ngày 26 tháng 12 hàng năm còn được gọi là ngày Thánh Stephen ( St. Stephen’s Day) và được kỉ niệm từ thời kỳ đầu của Công giáo. Mặc dù thánh Stephen là vị thánh tử vì đạo đầu tiên(the first Christian martyr) và cũng là một vị thánh quan trọng đến mức có thể tưởng niệm chỉ sau ngày Giáng Sinh (Christmas Day), tuy nhiên đến năm 1809, thuật ngữ Boxing Day mới lần đầu tiên xuất hiện.

Có ít nhất ba cách giải thích về sự ra đời của ngày Boxing Day.

Một cách giải thích đến từ các nghi lễ tôn giáo: từ “box” là chỉ the alms box (hòm công đức) thường dùng để quyên góp tiền trong nhà thờ. Và vào ngày St Stephen’s Day (tức ngày 26/12), hòm sẽ được mở và tiền được chia cho người nghèo.

Một cách giải thích khác lại đến từ ngành hàng hải. Ngày xưa khi các con thuyền buôn lớn trước khi ra khơi bao giờ cũng mang theo một hộp tiền được niêm phong (a sealed box of money) để cầu may mắn, bình an. Thuỷ thủ đoàn trên chiếc tàu đó sẽ lần lượt bỏ tiền vào hộp. Khi chiếc thuyền đi thuận buồm xuôi gió trở về, một thầy tu (a priest) sẽ mở chiếc hộp vào ngày Giáng Sinh và phân phát tiền cho người nghèo. Tuy nhiên, cách giải thích này chưa hợp lý, bởi vì nếu như vậy,Boxing Day sẽ là ngày 25 chứ không phải 26/12.

Cách giải thích hợp lý nhất đó là Boxing Day ra đời dựa theo truyền thống tặng Christmas Box (hộp đựng tiền hoặc quà tặng) cho những người phục vụ (servants) vào ngày sau Lễ Giáng Sinh, giống như một phần thưởng. Một số người khác lại cho rằng, vào thế kỉ 18, các lãnh chúa (The Lords and Ladies) thường gói (box) đồ ăn thừa (leftover) của họ và đôi khi là quà tặng để phân phát cho các tá điền, nông nô thuê đất hoặc làm việc cho họ vào ngày sau Giáng Sinh. Truyền thống này từ năm 1663 đã được ghi nhận trong nhật ký của Samuel Pepy. Ngày nay, truyền thống này vẫn còn tiếp tục. Các hộ gia đình thường chuẩn bị sẵn một ít tiền hoặc quà để tặng cho những người đã thường xuyên lui tới phục vụ gia đình mình trong cả năm như người đưa sữa (milkman), người giao báo (paper boy)……, ở các công sở, người chủ (employers) cũng nhân dịp này tặng quà cho nhân viên. Ở các trường học trên khắp cả nước, quà tặng được tập hợp vào các Christmas Boxes để gửi tặng trẻ em ở các nước nghèo hơn.

Hoàng Huy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *