Bạn có biết trong trường hợp các máy bay và tàu biển gặp tình trạng nguy hiểm khẩn cấp, họ sẽ phát tín hiệu cấp cứu (distress call) với tổng đài qua vô tuyến bằng từ nào không? “Help me!”? SOS?….Không, các phi công, và thuyền trưởng sẽ nói “Mayday!”. Nhưng tại sao lại là “Mayday” chứ không phải “Juneday” hay “Augustday”. Ngày hôm nay chuyến tàu đầu tuần của English4ALL sẽ giải thích cho bạn điều đó nhé. All aboard!

Năm 1923, một sỹ quan vô tuyến cao cấp (a senior radio officer) , tên là Frederick Stanley Mockford (1897–1962), ở sân bay Croydon, Luân Đôn, nước Anh, được giao nhiệm vụ nghĩ ra một từ dễ hiểu nhất để tất cả phi công và nhân viên mặt đất sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

Vấn đề nảy sinh vì giao tiếp bằng giọng nói qua sóng vô tuyến ngày càng trở nên phổ biến, do đó, một hình thức tương đương (equivalence)  với tín hiệu SOS của mã Morse là rất cần thiết. Rõ ràng là từ “help” không thể sử dụng được đối với những người nói tiếng Anh, bởi vì ngay cả trong giao tiếp thông thường, không có gì nguy hiểm, từ này cũng được sử dụng rất thường xuyên.

Tại thời điểm ông Mockford nhận nhiệm vụ này, ông chủ yếu làm việc giao tiếp các hoạt động không lưu từ sân bay Croydon đến sân bay Le Bourget ở Paris, Pháp. Suy nghĩ bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh, ông nảy ra ý nghĩ sử dụng một từ độc đáo –“Mayday” là cách đọc chệch đi của từ “m’aider” trong tiếng Pháp có nghĩa là “help me”(Cứu tôi với!)

Bốn năm sau đó, 1927, Hiệp ước Điện báo vô tuyến quốc tế Washington đã chọn “Mayday” là tín hiệu giọng nói chính thức trong các cuộc gọi báo tình huống cực kỳ khẩn cấp với mức độ nguy hiểm cao nhất ví dụ như những trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tín mạng.

Khi sử dụng từ Mayday trong cuộc gọi báo nguy, thường được lập lại ba lần một lượt “Mayday –Mayday- Mayday” để đảm bảo thông điệp được dễ dàng nhận biết ngay cả trong điều kiện ồn ào nhất. Khuôn mẫu chuẩn của một cuộc gọi báo nguy gồm có chữ MAYDAY được nói ba lần liên tiếp, theo sau là tên (hoặc mã hiệu) của chiếc tàu (máy bay) cũng được nói ba lần, rồi MAYDAY và tên hoặc mã hiệu lần nữa. Các thông tin quan trọng nên theo sau gồm có vị trí, tính khẩn cấp và sự giúp đỡ nào được cần đến và số người trên tàu hay máy bay. Một thông điệp báo nguy tiêu biểu có thể như sau:

“MAYDAY, MAYDAY, MAYDAY, đây là HỒNG HÀ, HỒNG HÀ, HỒNG HÀ. MAYDAY, HỒNG HÀ. Vị trí 54 25 bắc, 016 33 tây. Tàu của tôi đang bị cháy và chìm xuống. Tôi yêu cầu được giúp đỡ ngay. Bốn người đang trên tàu và đang dùng một xuồng cứu hộ. HẾT.”

 

Trong trường hợp tàu thủy cần hỗ trợ, tình huống không quá nguy cấp, từ “pan-pan” có thể được sử dụng thay thế. Về cơ bản, tín hiệu này nghĩa là bạn cần hỗ trợ, nhưng không ở mức độ khẩn thiết như tín hiệu “Mayday”. Giống như “Mayday”, pan-pan cũng là cách đọc chệch của một từ tiếng Pháp “panne” nghĩa là ““broken/failure/breakdown”.(hỏng hóc). Tín hiệu này cũng được phát đi từ tàu ba lần liên tiếp “pan-pan pan-pan pan-pan” sau đó là tên trạm kiểm soát biển bạn muốn báo tới, vị trí tọa độ cuối cùng và tình trạng khẩn cấp.

 

Trong trường hợp các cuộc gọi Mayday hay pan-pan không được lực lượng Bảo vệ bờ biển hoặc cơ quan cứu hộ trả lời, sau một vài phút, một vài nguồn sóng vô tuyến khác từ một con tàu hay máy bay khác đã nhận được cuộc gọi, sẽ truyền phát đi tín hiệu khẩn cấp thay cho con tàu hay máy bay đang gặp nguy hiểm, lặp lại tất cả các thông tin mà chúng đã nhận được lúc đầu.

 

Bạn có biết?

Ở Mỹ, nếu bạn sử dụng tín hiệu “Mayday” không đúng trường hợp, bạn có thể bị phạt 6 năm tù và chịu phạt $250.000.

Trong các cuộc tấn công khủng bố (terrorist attacks) vào ngày 11/09/2011, mặc dù có bốn máy bay bị nạn, chỉ có duy nhất một chiếc đã phát tín hiệu Mayday. Chuyến bay số 93 đâm xuống (crashed into) một cánh đồng ở Stonycreek Township, Somerset County, Pennsylvania đã phát đi hai cuộc gọi báo nguy Mayday tới Đài kiểm soát không lưu (Air Traffic Control) ở Cleveland. Cuộc gọi đầu tiên vào lúc 09:28:17, cơ trưởng (captain) Jason Dahl đã hét lên “Mayday, Mayday, Mayday” giữa những âm thanh của bạo lực. Cuộc gọi Mayday thứ hai vào lúc 09:28:50 khi ai đó trong buồng lái (cockpit) hét lên ““Mayday! Get out of here! Get out of here!” (Cấp cứu! Ra khỏi đây! Ra khỏi đây!). Không ai biết được chiếc máy bay 93 đã bị bọn không tặc (highjackers) kiểm soát khi nào nhưng vào lúc 09:31:57, tên không tắc Ziad Jarrah đã thông báo với toàn bộ hành khách và vô tình báo với cả Đài kiểm soát không lưu Cleveland.

Hoàng Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *