Với tính chất quốc tế và được sử dụng rộng khắp, tiếng Anh tưởng chừng như một “đại gia” hàng đầu trong làng ngôn ngữ thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như các đại gia khác, sự giàu có và phong phú của tiếng Anh sẽ không thể có được nếu như không có sự vay mượn và giao lưu với các ngôn ngữ khác. Nếu như người Trung Quốc tìm thấy từ lychee giống quả lệ chi (quả vải), người Ý tìm thấy từ pizza, người Việt gần đây bắt đầu tìm thấy từ pho (phở) – món ăn quê hương trên cả tuyệt vời trong từ điển Oxford, thì người Nhật lại luôn thấy tự hào mỗi khi ai đó nhắc đến từ karaoke – một sáng chế giải trí phổ biến hàng đầu hiện nay trên khắp thế giới. Người Việt luôn rất thích hát karaoke nhưng có lẽ ít người tìm hiểu xem vì sao lại có tên gọi này. English4ALL sẽ cùng bạn tới Nhật Bản để tìm hiểu về từ này trong chuyến tàu đầu tuần nhé. All aboard!

Karaoke – là từ ghép đôi (portmanteau) từ chữ kara, trong tiếng Nhật, nghĩa là trống không (empty), và oke, viết tắt của okesutora (orchestra)- dàn nhạc. Những chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới được một nhạc công (musician) người Nhật tên là Daisuke Inoue tạo ra năm 1971. Thời điểm đó, Inoue sống ở thành phố Kobe và chơi trống (drums) trong một ban nhạc chuyên đệm nhạc cho khách (bar patrons) nếu họ muốn hát. Trên thực tế, Inoue là một nhạc công chơi rất tệ, và chính nhờ sự tồi tệ này của ông mà ngày nay người ta được biết đến công nghệ giải trí karaoke. Ông đã quyết định tạo ra một cái máy có thể chơi nhạc cho ông khi ông không muốn hoặc không thể chơi được những bài nhạc. 11 chiếc máy đầu tiên đã được lắp ráp và cho các cửa hàng ở trong vùng thuê.

Datsuke Inoue - cha đẻ của chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới

Daisuke Inoue – cha đẻ của chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới

Vào những năm 1980s, karaoke trở nên phổ biến khắp Nhật Bản. Theo tạp chí Forbes, cửa hàng karaoke (karaoke bar) đầu tiên của Mỹ được mở ở Los Angeles năm 1982, và đến năm 2003 thì đã có giải vô địch Karaoke toàn thế giới (Karaoke World Championships) với thí sinh từ 7 nước tham dự, karaoke thực sự đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Tạp chí Time đã bầu chọn cha đẻ của karaoke, Inoue là một trong những “Người Châu Á có ảnh hưởng nhất thế kỷ” (The Most Influential Asians of the Century) vào năm 1999. Tuy nhiên, một thực tế đáng tiếc là Daisuke Inoue đã mất cơ hội trở thành một trong những người giàu nhất Nhật Bản bởi vì ông đã không đăng ký sáng chế (patent) chiếc máy của mình, do đó ông hầu như không kiếm được nhiều tiền từ phát minh của mình. Bốn năm sau khi Inoue tạo ra chiếc máy karaoke đầu tiên, năm 1975, một nhà sáng chế người Philipines (a Filipino inventor) Roberto del Rosario đã phát triển một hệ thống hát theo nhạc (a sing along system) gọi là “Minus-One” và ông này cũng không quên đăng ký bằng sáng chế cho phát minh của mình.

Tuy không kiếm được sự giàu có, nhưng cha đẻ thực sự của karaoke, Inoue lại luôn nhận được vinh quang (glory). Ngoài sự vinh danh của Time năm 1999, ông còn nhận được giải Ig Nobel Hoà Bình (Ig Nobel Peace Prize – một giải thưởng hài hước nhại lại giải Nobel thật, trao cho 10 thành tựu mà “đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ” với mục đích tạo không khí vui vẻ nhằm khuyến khích nghiên cứu). Và theo như lời người dẫn chương trình Marc Abrahams thì phát minh của Inoue là “một cách hoàn toàn mới để con người học cách chịu đựng lẫn nhau” (an entirely new way for people to learn to tolerate each other). Trong phát biểu nhận giải của mình (acceptance speech), Inoue nói rằng “Lúc đó, tôi có một ước mơ dạy mọi người hát, vì vậy tôi tạo ra karaoke. Tôi không nghĩ nó sẽ là điều gì đó to tát. Nhưng bây giờ hơn bao giờ hết, tôi muốn dạy thế giới hát, trong một sự hoà đồng tuyệt vời” và ông nhật được tràng pháo tay dài nhất (ovation) trong lịch sử giải Ig Nobel.

Hoàng Huy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *