Lời giới thiệu của English4ALL

Học tiếng Anh cần nói hay hay cần sự tự tin? – đó thực sự là một câu hỏi khó, bởi lẽ phải đó là hai yếu khó có thể tách rời nhau trong quá trình học tập và rèn luyện tiếng Anh. Có tự tin mới nói hay được, và cũng cần phải nói hay thì mới tự tin được. Nhân sự kiện Đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Imbadu ở Nam Phi 2 năm trước, các cư dân mạng “nhạy cảm với thời cuộc” lại được dịp tha hồ bình luận về tiếng Anh của cô, có ý chê trách, nhưng cũng có ý kiến bảo vệ. Được sự đồng ý của tác giả, Engligh4ALL xin trân trọng giới thiệu bài viết của một chuyên gia về phương pháp giảng dạy tiếng Anh, hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học New South Wales., Úc để mọi người cùng đọc. Quan điểm của tác giả thể hiện khá tương đồng với quan điểm của những người thực hiện English4ALL “Nói hay không bằng hay nói, và thà nói chưa hay còn hơn không nói gì”

Vì chuyện cô diễn viên họ Lý trả lời phỏng vấn tiếng Anh gần đây đã khiến dư luận “dậy sóng”, nên mình cũng vào để tìm hiểu. Thực ra cuộc phỏng vân này thực hiện từ lâu, nhưng không hiểu sao sau gần 2 năm người ta mới đem ra bình phẩm. Gạt qua những chiêu trò mánh khóe để hạ uy tín của nhau trong giới showbiz Việt, vốn đã nhiều tai tiếng, ở đây mình chỉ bàn thêm về cái chuyện người Việt nói và học tiếng Anh. Nói là thêm, vì cũng về vấn đề này, mình thấy bài viết của anh Nguyễn Quốc Toàn rất đầy đủ và mình đồng ý với quan điểm của tác giả.
Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu thế nào là tiếng Anh chuẩn mực (standard English). Trả lời cho khái niệm đến nay vẫn còn tranh cãi. Trong mô hình 3 vùng của mình, Krachu (1985) đã xác định vùng trung tâm bao gồm các nước Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, South Africa nơi tiếng Anh được coi là gốc gác, là ngôn ngữ mẹ đẻ với số lượng người nói khoảng 380 triệu người. Vùng thứ 2 bao gồm các nước dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2, sau tiếng mẹ đẻ bao gồm các nước như Ấn độ, Singapore, Phillipines, Malaysia, Kynea với số người khoảng 200 đến 300 triệu. Còn vùng thứ 3 là những nước coi tiếng Anh như một ngoại ngữ trong đó bao gồm Việt nam, con số được ước tính lên đến hơn một tỉ người sử dụng.
Vậy, nếu coi tiếng Anh chuẩn là ở các nước sử dụng nó như tiếng mẹ đẻ, thì con số 380 triệu người quả là quá nhỏ bé với số người sử dụng như một ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ thứ 2. Tiếng Anh bây giờ không còn là tài sản của các quốc gia như Anh, hoặc Úc nữa mà nó là tài sản của những ai nói nó. Hay nói cách khác, tiếng Anh bây giờ không thể hiểu chỉ đơn thuần là English (số ít) mà cần hiểu nó trong dạng thức số nhiều Englishes với tính đa dạng phong phú của nó. Do vây, sẽ không ngạc nhiên nếu có tiếng Anh đặc trưng của người Singapore, người Trung Quốc, hoặc người Ấn Độ và thậm chí của người Việt. Sự đặc trưng thể hiện trong cách phát âm, giọng điệu, từ vựng, ngữ pháp, biểu đạt và văn phong.
Do đó, hiểu khái niệm chuẩn mực như thế nào không hề đơn giản.
Chủ nhà mình người Úc, có lần bảo dân châu Á chúng mày nói tiếng Anh tao nghe mà bực. Mình hỏi tại sao, ông trả lời suốt ngày quên cái âm cuối, ví dụ hỏi giá bao tiền, người bán hàng (châu Á) trả lời 4 dollar thay vì dollarS. Mình hỏi lại, thế mày hiểu được không? Ông ấy bảo, hiểu. Mình bảo chỉ cần thế thôi. Mà mình còn bảo thêm, nếu mày không chịu khó nghe và thích ứng tiếng Anh kiểu vậy đi, mày còn bực nữa. Ông gật gù.
Một lần khác, ông bảo phải giao dịch với một công ty phần mềm nào đó ở mãi Trung Đông. Khi nói chuyện qua điện thoại, ông thấy khó nghe vì đặc âm, nên ông rất bực bội. Mình hỏi, thế sao không tìm công ty khác ở Úc để làm ăn cho dễ dàng (về mặt ngôn ngữ), ông bảo, không thể được, vì ở nước kia (không phải tiếng Anh chính gốc), có sản phẩm tốt, giá rẻ và phù hợp yêu cầu công việc.
Thế mới biết, toàn cầu hóa và giao thương trong thế giới hiện đại, khiến cho những người có ưu thế nói tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, bây giờ có nguy cơ trở thành thiểu số. Và nguyên tắc, số đông bao giờ cũng áp đảo thiểu số, do vậy, khái niệm chuẩn mực của tiếng Anh trước kia bây giờ đã thay đổi.
Vậy nếu bạn muốn sử dụng và nói tiếng Anh tốt, đừng nên quá đặt nặng vấn đề standard English. Bản thân chính người viết bài này khi mới học tiếng Anh luôn bị ám ảnh bởi từ chuẩn, ví dụ ngữ pháp phải chuẩn, phát âm phải chuẩn, từ vựng phải chuẩn, giọng phải chuẩn, ngữ điệu phải chuẩn. Chính cái suy nghĩ chuẩn và bị ám ảnh bởi chuẩn như vậy đã làm mình cảm thấy mất tự tin khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Kinh nghiệm cho thấy để học tiếng Anh hiệu quả, bạn hãy cứ yên tâm, tự tin học và luyện tập tiếng Anh theo đúng sở thích, và đam mê của chính bạn. (Và dĩ nhiên, đối với những bạn mới đầu học tiếng Anh, thì cần có thêm một giáo viên dạy và hướng dẫn bạn. Họ cần phải có năng lực để dạy bạn ngoại ngữ. Mình dùng từ có năng lực, chứ không phải dùng từ chuẩn. Chủ đề về năng lực giáo viên dạy tiếng Anh, mình sẽ bàn ở một dịp khác). Khi bạn nói tiếng Anh với người khác (đến từ nhiều quốc gia khác nhau) mà họ hiểu được bạn (intelligibility), là bạn đã học thành công. Do đó, khi học, bạn cũng nên tiếp cận những Englishes khác nhau để biết tính đa dạng của tiếng Anh ra sao. Điều này sẽ rất hữu ích cho bạn sau này, nhất là nếu bạn được làm việc trong môi trường đa quốc gia, hoặc thường xuyên tiếp xúc với những người từ nhiều nước khác nhau. Và một khi tiếng Anh bạn đủ tốt, cũng là lúc  bạn sẽ rất tự tin trong việc sử dụng Englishes.

Trở lại, vụ cô họ Lý. Mình thấy cô trả lời rất trôi chảy, và hiểu được phóng viên muốn hỏi gì. Đặc biệt, nếu đó là một cuộc phỏng vấn không có chuẩn bị trước mà cô Lý làm được như vậy thì thực sự là quá tốt. Có nhiều người nói ở cương vị của cô Lý, là đại sứ du lịch mà nói tiếng Anh thế thì chấp nhận sao nổi. Kì thực, nói thế không thuyết phục. Ở đây, rõ ràng cô Lý đã giữ gìn đúng phương châm của hội nhập của Việt nam: hội nhập chứ không hòa tan. Cô ấy nói tiếng Anh mang đặc âm và đặc ngữ Việt, thì sao lại lên án hoặc phê bình cô ẩy nhỉ. Trừ khi, cô ấy nói tiếng Anh mà chả ai hiểu gì thì mới có chuyện để nói.

Xem thêm

Kachru, Braj B. (1985). Standards, codification and sociolinguistic realism: The English langues are in the outer circle, Three circles of world English. In R. Quirk and H. G. Widdowson (eds.) English in the World: Teaching and learning the language and literatures. Cambridge: Cambridge University Press.

Nguyễn Quốc Toàn (2014): http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dinh-kien-chet-nguoi-khi-hoc-tieng-anh-3007978.html

 

Lê Đức Mạnh, MA in TESOL.

Nghiên cứu sinh trường University of New South Wales., Australia.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *