“Những thói quen xấu nào làm cho chúng ta học tiếng Anh mãi mà vẫn chưa hiệu quả?” câu hỏi đó ít khi chúng ta chú tâm tìm kiếm câu trả lời. Nhưng dù muốn hay không thì những thói quen khó ưa đó vẫn làm lãng phí của bạn nhiều tiền bạc và thời gian trong việc học tiếng Anh. Chuyến tàu cuối tuần của English4ALL hôm nay sẽ cùng trao đổi với bạn về những thói quen không nên có đó tại ga Weekend Gossip (Chém gió cuối tuần). Thử xem bạn đang mắc thói quen xấu nào nhé?

Chào các bạn, Chém gió cuối tuần trở lại cùng các bạn, và chúng ta sẽ cùng trao đổi tiếp những câu chuyện liên quan đến việc học tiếng Anh. Tuần nay chúng ta sẽ cùng nói về chủ để Những thói quen xấu hay những thói quen không nên có ở người Việt học tiếng Anh.

Thói quen thứ nhất : Quá lệ thuộc vào giáo viên.

Trước khi nói về thói quen này, mình sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện ngụ ngôn.

Ở một ngôi trường kia, có một thầy giáo rất giỏi và có rất đông học sinh theo học. Các trò càng học càng thấy ngưỡng mộ kiến thức uyên thâm của thầy. Và trong một ngày nọ, một học sinh đứng lên hỏi thầy.

“Thưa thầy, xin thầy cho con biết con phải học như thế nào, và học trong bao lâu nữa mới học được hết chữ của thầy ạ.”

Thầy không nói gì, lấy một quả táo trên bàn điềm nhiên ngồi ăn một cách rất ngon lành, xong rồi nhè bã táo ra một tờ giấy rồi đưa cho trò và nói “Em ăn hết quả táo này đi, rồi thầy sẽ trả lời cho em.”

Cậu học trò kia lưỡng lự rồi nói “Quả táo này thầy ăn hết rồi, chỉ còn lại bã, còn gì đâu mà ăn ạ?”

Lúc đó thầy giáo mới từ tốn trả lời “Những gì tôi dạy cho các em cũng giống như chỗ bã táo này, nếu như các em muốn biết thế nào là kiến thức thực sự, hãy tự đi tìm lấy những trái táo cho riêng mình.”

Thật vậy, rất nhiều người Việt học tiếng Anh luôn có thói quen xấu là ý lại và quá lệ thuộc vào giáo viên. Thầy đưa cho trái táo nào là ăn hết trái táo đó, không chịu tự đi tìm lấy những trái táo cho riêng mình. Thầy dạy cho từ nào biết từ đó, giao bài tập nào làm hết bài tập đó mà không tìm tòi gì thêm. Chính việc chúng ta không mở rộng các kênh tiếp nhận kiến thức khác ngoài kênh từ giáo viên làm cho trình độ tiếng Anh của ta tăng tiến rất chậm chạp. Hơn nữa trong bối cảnh giáo viên ngoại ngữ ở nước ta phần đông chưa đạt chuẩn, một cô dạy sai hàng trăm trò đọc sai viết sai, nếu như không chủ động mở rộng và đối chiếu kiến thức thì những lỗi sai đó sẽ nằm ngủ rất lâu trước khi bị phát hiện. Không chỉ riêng trong học tiếng Anh và trong tất cả các môn học, các lĩnh vực khác, những người học tốt là những người không những làm chủ những gì giáo viên truyền đạt mà còn biết tìm tỏi, học hỏi thêm nhiều ngoài phạm vi trường học, lớp học, giờ học.

Các bạn có biết mình là ai ko? Dù bạn giàu có hay chưa giàu có, bạn xinh đẹp hay chưa phẫu thuật thẩm mỹ……..thì bạn vẫn là một sản phẩm không có bản sao trên thế giới này ngay cả khi bạn có anh chị em sinh đôi. Vậy nên đừng lệ thuộc và chờ đợi thầy cô, hãy chủ động tìm lấy những trái táo thơm ngon nhất cho chinh mình.

Thói quen thứ hai: Học lệch, nặng về học ngữ pháp, đọc – viết.

Thực ra, thói quen xấu này không phải do tự chúng ta mà có mà do lỗi của cách dạy ngoại ngữ ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong các trường phổ thông. Khi còn học ở nhà trường, chương trình dạy và cách dạy của các thầy cô thường quá chú trọng vào thi và kiểm tra ngữ pháp, từ vựng là chính dẫn đến hiện trạng là phần đông người học tiếng Anh ở Vietnam hiện nay đọc và viết khá tốt trong khi nghe và nói lại chưa được như mong muốn.

Thực tế là chúng ta đang học ngược, ở nước ngoài và các nước bản xứ, ngữ pháp tiếng Anh thường chỉ được dạy sau khi bạn đã nghe và nói được tương đối, hàm lượng thời gian dành cho ngữ pháp thường là rất ít trong các giờ học, và luôn luôn chỉ được dạy sau khi đã nghe nói và thực hành giao tiếp. Lý do vì sao bạn có biết không? Bởi  vì ngữ pháp của mọi ngôn ngữ đều chỉ là một bộ những nguyên tắc, quy tắc có thể ghi nhớ và áp dụng. Đó là kiến thức hữu hạn. Riêng với ngữ pháp tiếng Anh, bạn chỉ cần học và thực hành chăm chỉ, đúng phương pháp trong vòng 6 tháng hoặc nhiều nhất là 1 năm là có thể nắm vững và sử dụng tốt. Nhưng đối với người nước ngoài học tiếng Anh, đích đến quan trọng nhất, đích đến cuối cùng là sự tự tin trong giao tiếp thì đòi hỏi bạn một thời gian dài lâu hơn nhiều. Và để đạt được kỹ năng giao tiếp thuần thục bằng tiếng Anh bạn chỉ có một con đường duy nhất: luyện tập – luyện tập và tập luyện. Chính vì cách học “trọng ngữ pháp” của người Việt mà đôi khi chúng ta cảm thấy kém tự tin khi nói, sợ rằng mình nói sai ngữ pháp. Nhưng bạn cũng nên biết rằng dù bạn có nói sai ngữ pháp, nhưng ngữ âm chuẩn người bản xứ hoàn toàn vẫn có thể hiểu bạn. Vì sao? Vì ngữ pháp là nguyên tắc và cứng nhắc, trong khi thực tế giao tiếp cuộc sống thì không có chỗ cho những điều cứng nhắc đó.

Vậy nên quan điểm học và dạy tiếng Anh của mình là: Thà nói sai còn hơn không nói. Thà viết sai còn hơn không viết. Cứ nói cứ viết đến khi nào đúng thì thôi.

Thói quen thứ ba: Học ngược.

Gọi là học ngược vì chúng ta phần đông đều bị dạy sai quy trình tiếp nhận ngôn ngữ. Chúng ta học ngữ pháp và từ vựng sau đó nhảy thẳng sang học viết – học nói. Như thế là một cách học vô cùng sai lầm. Đó là lý do vì sao khi bạn đọc một bài báo viết bằng tiếng Anh của Việt Nam và một bài báo tiếng Anh của nước ngoài mặc dù viết về cùng một nội dung nhưng cách viết rất khác nhau. Một phần là vì sự khác biêt trong tư duy và văn hóa, nhưng một phần là vì hệ quả của việc học ngược. Đúng ra, chúng ta luôn phải học đọc trước khi học viết, và học nghe trước khi học nói, trong quá trình đó, chúng ta tích lũy ngữ pháp và từ vựng. Cách học ngược hiện nay giống như việc bạn được giao cho một đống nguyên vật liệu và một công thức cứng nhắc, sau đó bắt bạn nấu một món ăn mà bạn hoàn toàn chưa được ăn thử. Tất nhiên là bạn sẽ vẫn nấu được, có điều món ăn mà bạn nấu ra sẽ không được ngon như món được yêu cầu. Vậy nên, đọc và nghe – cũng chính là cách chúng ta “nếm thử” ngôn ngữ bản xứ trước khi bắt chước cách nấu của họ bằng nói và viết. Sửa chữa các học ngược này như thế nào, sẽ được bàn tới cụ thể trong một Radio Log khác.

Thói quen thứ tư: Nhanh nản chí, dễ bỏ cuộc

Đây là một thói quen rất xấu và điển hình của rất nhiều người Việt học tiếng Anh, chính vì không xác định được mục tiêu học, không có động lực rõ rang để học, và không chọn được một cách học đúng đắn và phù hợp……..dẫn đến việc nhiều người học đã dễ dàng đầu hàng ngay những khó khăn đầu tiên xuất hiện. Kinh nghiệm cá nhân của mình thấy rằng: Mọi thứ trước khi trở nên Dễ nó đều Khó. Khi bạn thu nhận một điều gì đó mới, rất khó để bạn có thể làm quen với nó ngay trong ngày một ngày hai, tất cả chỉ là thử thách. Cái vui của việc học ngoại ngữ cũng giống như chuyện bạn xách cần đi câu cá, bạn phải ngồi rất lâu, rất kiên trì bên mặt nước, thật chú tâm trong yên lặng để có thể đạt được kết quả. Sự khác biệt duy nhất là, đi câu bạn có thể về không, vì trong hồ không có cá, hoặc mồi của bạn không ngon. Còn học tiếng Anh, chỉ cần bạn đủ kiên trì và câu đúng cách, chắc chắn bạn sẽ thu được điều gì đó, nếu không là cá voi cá mập, chắc bạn sẽ vẫn thu được cá rô cá diếc. Điều quan trọng là : Đừng dễ dàng bỏ cuộc. Những lúc bạn muốn bỏ cuộc nhất, hãy làm thử theo cách này xem “Hãy tưởng tượng trong rạp chiếu phim đang chiếu một bộ phim nước ngoài, bạn sẽ là người đầu tiên có thể bật cười ngay khi nghe một câu thoại hài hước của nhân vật, trong khi cả rạp lại cười sau bạn 5s vì họ còn bận đọc phụ đề.” “Hãy tưởng tượng bạn có thể tự tin ứng đáp, cười nói với người nước ngoài giữa một đám đông không hiểu bạn và người kia đang nói gì”. Tiếng Anh chừng nào còn khó tức là nó còn thú vị. Và chừng nào nó hết khó, tức là bạn đã bắt đầu vào cuộc đua đi tìm những điều thú vị lớn hơn.

Thói quen thứ năm: Không có chiến lược học tập

Nhiều bạn sẽ thắc mắc chiến lược học tập chẳng phải là cách học hay sao? Không, đó là hai điều hoàn toàn khác nhau, cách học hay phương pháp học chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược học tập. Hãy hình dung, bạn muốn đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, bạn sẽ phải trả lời vô số câu hỏi trước khi đi “Where” “When” “Why”……..trong khi cách học chỉ trả lời được câu hỏi “How”. Chiến lược học tập là tập hợp câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó. Phần đông chúng ta đều lao đi học tiếng Anh như một bản năng. Cá nhân mình luôn nghĩ rằng, học cái gì cũng giống như một sự đầu tư để nâng cấp bản thân mình, và đã là đầu tư thì luôn phải có chiến lược và sự tính toán để sao cho hiệu quả nhất, có lời nhất. Chúng ta ít khi tự hỏi mình những câu hỏi cụ thể như “Tôi đang học tiếng Anh vì tôi muốn cái gì?”, “Đến bao giờ, ngày nào tháng nào năm nào tôi sẽ đủ trình độ đọc bài báo tiếng Anh này” “Làm thế nào để tôi có thể tăng tốc quá trình học tiếng Anh nhanh hơn?”, “Trình độ tiếng Anh của tôi đang ở đứng ở đâu trong thang bậc đánh giá chung, số 5 hay số 6 hay sô 9/10???”. Không trả lời những câu hỏi đấy một cách trung thực và nghiêm túc nhất với chính mình, thì chúng ta vẫn sẽ học như người vừa đi vừa mò trong đường hầm tối. Rất tốn kém thời gian và tiền bạc, trong khi cả hai thứ đó đều là hữu hạn và chúng ta luôn rất cần.

Thói quen thứ sáu: Không có kỷ luật với bản thân:

Có bạn đã hỏi mình, “Vì sao em học ở trường rất tốt, nhưng cứ về nhà em rất lười, học không thể vào được”. Đó là vì bạn đã quá nuông chiều bản thân mình, ở nhà làm cho bạn không cảm thấy có môi trường và không khí học tập. Bạn hãy tự hỏi xem “Một ngày bạn học ở trường bao nhiêu tiếng và ở nhà bao nhiêu tiếng?”. Rõ ràng bạn sẽ thấy là thời gian bạn ở nhà vẫn nhiều hơn ở trường. Suy cho cùng, trường học chỉ là ranh giới của kỉ luật, thầy cô là khuôn phép giám sát kỉ luật đó. Nếu ai cũng tự kỉ luật được, thì người ta đã chẳng mở trường học làm gì? Tuy nhiên, mình đã học được một cách rất hay từ một câu chuyện về nhà văn Nguyễn Tuân để sửa thói quen xấu của chinh mình. Nhà văn khi không đến cơ quan hay sau khi nghỉ hưu, ông cũng rất đúng giờ, ăn mặc quần áo nghiêm chỉnh như đang đi làm và ngồi vào bàn làm việc rất nghiêm túc. Còn như Victo Hugo, ông luôn đứng viết trong rất nhiều năm cho đến khi hoàn thành kiệt tác Những người khốn khổ. Bạn có cảm thấy mình thiếu kỉ luật trong việc tự học tiếng Anh không? Hãy thử xem những cách này xem???

Nói tóm lại, những thói quen xấu này giống như những hòn đá chắn ngang đường chúng ta trên con đường chinh phục và làm chủ tiếng Anh, mỗi người một thói xấu, có người còn có hơn cả 6 thói quen xấu này (như mình chẳng hạn!!!!), quan trọng là chúng ta phải gạt bỏ nó như thế nào để học ngày một tốt hơn. Hãy chia sẻ với English4ALL về thói quen xấu trong học tiếng Anh của bạn bằng comment ở dưới nhé.

Xin cảm ơn thời gian của các bạn và hẹn gặp lại ở tuần sau.

Hoàng Huy.

Bản quyền thuộc về English For All (EFA)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *