Nhiều bậc phụ huynh tốn rất nhiều tiền đi tìm thầy Tây cô ta thật giỏi để dạy tiếng Anh cho con mình khi các con còn ít tuổi, nhưng lại không đi tìm những người có thể làm cho trẻ yêu thích tiếng Anh, và nếu có tìm, thì lại đi tìm ở đâu đó quá xa, chứ ít khi tìm chính mình. Thật vậy, rất nhiều ông bố bà mẹ rất mong muốn giúp con cái học tiếng Anh khi các con còn nhỏ nhưng lại tỏ ra ngại ngùng hay lúng túng.. Đó không chỉ là một ước muốn và còn là một sự đầu tư cực kỳ khôn ngoan cho tương lai con của bạn. Bạn không nhất thiết phải là một siêu từ điển sống để chỉ cho các con mọi từ các con muốn biết, có thể bạn không phải là một giáo viên chuyên nghiệp để dạy con những bài học một cách bài bản, tuy nhiên làm cho con yêu thích tiếng Anh từ khi còn ít tuổi là điều bạn hoàn toàn có thể làm được. English4ALL xin chia sẻ một vài gợi ý nhỏ để giúp bạn làm việc này trong chuyên mục Weekend Gossip tuần này. All aboard!
Một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ đó là giúp trẻ hình thành được nhận thức tích cực (positive perception) trong giao tiếp với thứ ngôn ngữ này.
Một lợi thế lớn của việc cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ sớm đó là sẽ hình thành được ấn tượng tích cực của trẻ đối với ngôn ngữ này. Khi còn ít tuổi, trẻ có xu hướng nhìn nhận ngôn ngữ một cách rất hứng thú. Tuy nhiên, nếu bạn ép trẻ phải nói một ngôn ngữ thứ hai trong khi chúng chưa thích thú, rất có thể bạn đang tạo ra một ấn tượng xấu trong trẻ, vậy nên cần phải rất thận trọng.
Dưới dây là một số gợi ý giúp các bậc phụ huynh có thể làm cho con em mình yêu thích tiếng Anh hơn khi các em còn nhỏ tuổi.
1. Biết ngưng lại khi cần thiết.
Một số cha mẹ nghĩ rằng một cách tốt để giúp con học ngoại ngữ đó là chỉ sử dụng thứ tiếng đó ở nhà. Tuy nhiên đây là một ý tưởng khó thực hiện (trừ khi bố hoặc mẹ là người nước ngoài), vì trẻ luôn muốn bố mẹ sẽ nói chuyện với mình bằng tiếng mẹ đẻ. Bạn càng ép trẻ nói sẽ càng dễ tạo ấn tượng xấu về ngôn ngữ mà bạn muốn trẻ học.
Không có gì quan trọng hơn việc bạn phải có sự giao tiếp tốt với trẻ. Nếu như trẻ cáu giận khi bạn cố nói tiếng Anh với chúng, tốt nhất là ngưng lại, và sử dụng tiếng Việt. Hãy chắc chắn là trẻ hoàn toàn thoải mái khi trò chuyện với bố mẹ.
2. Hãy để cho trẻ thấy bố mẹ cũng thích tiếng Anh.
Một trong những cách tốt nhất để trẻ thích thú với một điều gì đó chính là để chúng quan sát thấy bạn cũng rất thích điều đó. Không phải là điều gì quá to tát đâu, đơn giản chỉ là để trẻ nhìn thấy bạn đang đọc sách báo bằng Tiếng Anh chẳng hạn. Xem những bộ phim DVD bằng tiếng Anh, nghe nhạc tiếng Anh, hay cho trẻ thấy bạn tán chuyện với bạn bè bằng tiếng Anh. Trẻ con luôn có xu hướng bắt chước người lớn, vậy nên nếu bạn muốn con mình thích tiếng Anh hãy để con thấy rằng mình cũng rất thích tiếng Anh.
3. Sử dụng tiếng Anh nhưng không yêu cầu trẻ phải trả lời bằng tiếng Anh.
Nếu trẻ bị ép nói tiếng Anh, chúng sẽ thấy thật là khó khăn, chúng có thể nổi cáu với bạn, và thành ra ghét thứ ngôn ngữ này. Nhưng bạn hoàn toàn có thể nói nhiều với trẻ bằng tiếng Anh mà không tạo ra áp lực bắt trẻ phải trả lời lại bằng tiếng Anh. Làm thế nào đây?
Hãy sử dụng những câu lệnh đơn giản như “Put on your shoes.” (Con đi giày vào!) “Let’s go.” (Đi thôi) or “Give me the apple, please.” (Đưa cho bố quả táo nào)
Đưa ra những lời khen (praise) như là “Good job!” “Well done!” (Giỏi quá! Làm tốt lắm!) hay “What a beautiful drawing!” (Ái chà, vẽ đẹp quá nhỉ!)
Tạo những tình huống cần quan sát hay chỉ vào đồ vật. “It’s cold today!” (Hôm nay lạnh nhỉ) “Look at the brown dog.” (Nhìn con chó nâu kia kìa) or “This ice cream is yummy.” (Cái kem này ngon lắm)
Hãy hỏi những câu hỏi rất cơ bản, ngắn gọn mà trẻ có thể trả lời bằng cử chỉ hay câu trả lời ngắn như là “Which shirt do you want to wear?” (Con muốn mặc áo nào?) – trong khi giơ hai chiếc áo lên cho trẻ chọn , “Do you like pizza?” (Con có thích bánh pizza không?) or “Where are your shoes?” (Giày của con đâu?)
Đó là những cách rất hay để bạn giao tiếp với trẻ một cách rất tự nhiên mà không tạo ra áp lực bắt chúng phải nói bằng tiếng Anh.
4. Cho trẻ tiếp xúc nhiều với tiếng Anh.
Hãy luôn nhớ rằng đầu vào trong ngôn ngữ (INPUT) là cực kỳ quan trọng. Các mẹ phải xác định được những phương tiện truyền thông nào bằng tiếng Anh (DVD – CD hay kênh Youtube nào) làm cho trẻ thích thú và hãy để cho các con thoải mái tận hưởng điều đó mà không ép các con phải nói tiếng Anh ngay lập tức, đôi khi chúng ta hay đặt ra những kỳ vọng không tưởng cho những người bạn nhỏ của chúng ta. Ngay cả đến trẻ con người Anh cũng cần phải rất nhiều thời gian mới có thể nói được tiếng Anh, huống hồ là trẻ con Việt Nam. Hầu hết những người học một ngôn ngữ mới đều phải trải qua một giai đoạn gọi là “Silent period” (Giai đoạn thầm lặng) trước khi có thể tự mình nói được. Thông thường, giai đoạn này ở trẻ khá là lâu.
Hãy cung cấp cho trẻ những càng nhiều kênh tiếp xúc với Tiếng Anh một cách vui vẻ càng tốt, và hãy để các con tự mình bắt đầu nói tiếng Anh theo nhịp độ riêng. Đừng la toáng lên khi một đứa trẻ hàng xóm hàng ngày sang xem đĩa Tom và Jerry cùng với con bạn hôm nay đã bắt đầu nói những từ tiếng Anh đầu tiên, trong khi con bạn chỉ ngồi im và chưa nói gì. Các bố mẹ cũng cần phải đọc cho trẻ bằng tiếng Anh nữa. Tìm một vài cuốn sách có nhiều hình ảnh bằng tiếng Anh để cho trẻ cùng nhìn vào khi bạn đọc truyện cho trẻ. Hãy thay đổi xen kẽ, đừng đọc truyện 100% truyện tiếng Việt, và cũng đừng đọc 100% truyện tiếng Anh, hoặc bạn có thể kể chuyện bằng tiếng Anh cho trẻ và dừng lại giải thích từ mới, hay trả lời những câu hỏi của trẻ bằng tiếng Việt.
5. Hãy tập trung vào những điểm tích cực
Học một ngoại ngữ nên là một trải nghiệm tích cực. Hãy luôn ghi nhớ rằng đây không phải là một cuộc đua. Nếu bạn cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh một cách vui vẻ, tự thân chúng sẽ tiến bộ trong việc học tiếng Anh. Nếu bạn tạo ra quá nhiều áp lực, chúng sẽ bắt đầu chống lại. Hãy tập trung vào những điểm tích cực. Khen ngợi các con về tiếng Anh của chúng, nhưng đừng đi quá xa đến mức trẻ hình dung rằng nói tiếng Anh là một điều gì đó phi thường lắm. Hãy làm cho trẻ cảm thấy rất tích cực với tiếng Anh chứ không phải tìm cách đối phó với một môn học đáng sợ mà quá sức.
Hoàng Huy