Mỗi năm hàng ngàn sinh viên Việt Nam mang theo ước mơ, hoài bão ra nước ngoài du học, và việc du học ở các quốc gia nói tiếng Anh luôn là một sự lựa chọn rất phổ biến của đông đảo các du học sinh. Tuy nhiên, bao nhiêu điểm IELTS hay TOEFL sẽ giúp bạn hoàn toàn tự tin để có thể sống, học tập và hoà nhập với cuộc sống bản xứ??? Có người sẽ trả lời, trên 6.5 IELTS, một số người khác yêu cầu cao hơn, sẽ nói 7.0, hay 8.0. Nhưng rồi một ngày lang thang bên trời Tây, bạn ngạc nhiên nhận ra rằng có vẻ những người bản xứ có vẻ đang nói chuyện nhau bằng một thứ tiếng hoàn toàn khác, mà rõ ràng đó là tiếng Anh. Phải chăng tiếng Anh của bạn chưa chuẩn? Phải chăng kết quả của các kỳ thi IELTS hay TOEFL kia không chính xác??? Thực ra, IELTS hay TOEFL bao nhiêu điểm cũng chỉ giống như bạn đã có được một tấm vé máy bay, không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ có một chuyến bay vui vẻ và dễ chịu. Vậy điều gì đã làm bạn thiếu tự tin khi mang tiếng Anh ra phố, trong khi ở trên lớp, và mọi bài tập bạn đều hoàn thành tốt, thuyết trình trôi chảy???? Để trả lời cho thắc mắc đó, English4ALL xin trân trọng giới thiệu một bài viết rất hay và thú vị của nghiên cứu sinh Dương Anh Chiến đến từ Khoa Giáo dục, Trường Đại học Newcastle, Callaghan, New South Wales, Australia. All aboard!

DIALECT

Từ điển Lạc Việt dịch là “phương ngữ”, nhưng còn thiếu lớp nghĩa “social group” – ngôn ngữ đặc trưng của một nhóm người cụ thể trong xã hội, mình tạm gọi là “đặc ngữ”.

Trong 2 nhóm “đặc ngữ” phổ biến, du học sinh thường chú trọng vào “ngôn ngữ học đường” (academic language) hơn là “ngôn ngữ ngoài đường” (socio-pragmatic language). Chính vì chú trọng vào “ngôn ngữ học đường” nên khả năng viết ĐÚNG tiếng Anh của du học sinh thậm chí còn tốt hơn người bản xứ, nhưng khả năng viết GIỐNG tiếng Anh, diễn đạt bằng văn nói một cách trôi chảy và tự nhiên thì lại rất hạn chế (khả năng dùng ngôn ngữ “ngoài đường” – socio pragmatic). Nguyên nhân chủ yếu là do các bạn du học sinh quá đề cao ĐIỂM SỐ cho các bài thi ngoại ngữ (đa phần chú trọng academic), mà không thật sự chú trọng phát triển khả năng SỬ DỤNG ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày (socio-pragmatic). Cần hiểu rõ rằng, điểm số chỉ là thang đo hiểu biết về kiến thức đó, nhưng ứng dụng kiến thức vào thực tế như thế nào lại đòi hỏi nhiều kỹ năng khác. Tốt nghiệp bằng đỏ Ngoại thương chưa phải đã trở thành Doanh nhân thành đạt!

Một ví dụ đơn giản về sự khác biệt và phổ biến của 2 nhóm đặc ngữ này khi nói về cùng một tình huống là “Chào bạn, hôm nay bạn mặc chiếc áo rất đẹp, bạn mua ở của hàng nào vậy?” (học đường); và “Ê, mày mặc quả áo này trông ngon phết nhờ! Mua ở đâu á?” (ngoài đường). Rõ ràng là đặc ngữ “học đường” thường khô cứng, không tự nhiên và ít phổ biến hơn “ngoài đường”.

Bản chất của việc học ngoại ngữ là học thêm một ngôn ngữ khi đã biết một ngôn ngữ khác trước nó. Vậy nên quá trình dạy, học ngoại ngữ cũng cần phải được tiến hành theo tiến trình tự nhiên của việc học ngôn ngữ mẹ đẻ – đi từ “ngoài đường” rồi mới vào “học đường”. Ấy vậy mà chúng ta đang làm ngược lại là đầu tư quá nhiều vào các bài thi “học đường” – academic, để rồi khi du học các nước, nói chuyện với người bạn xứ, họ cười ngặt nghẽo, bảo “Tao hiểu mày định nói gì ku ạ, nhưng bọn tao không nói kiểu buồn cười như mày!”.

Nếu mục đích đi du học chỉ là ĐẾN TRƯỜNG, nghe giảng, làm bài tập, nộp bài, chờ kết quả, và nhảy cẫng lên khi được ĐIỂM CAO thì chỉ cần luyện vài cuốn tiếng Anh “học đường” là đủ. Nhưng nếu muốn học để SỬ DỤNG ngôn ngữ đó, thì hãy lao ra đường!

“Học đường” chỉ là môi trường chật hẹp, còn “ngoài đường” mới là cuộc sống thật sự!

Anh Chien Duong
PhD Student
———————————————
Falcuty of Education & Arts
School of Education
The University of Newcastle
Callaghan NSW 2308 Australia

*. Bài viết đăng trên English4ALL theo sự đồng ý của tác giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *